Vượt lên chính mình

*Ghi chú: bài viết này vận động mạnh thường quân mua nhà khi Cơ sở gặp khó khăn thuê mướn mặt bằng.

Từ khi các tỉnh thành trong cả nước phần lớn đã thành lập trường dạy trẻ khuyết tật. Người mù khắp nơi được đến trường để học. Riêng về An Giang trường cũng đã thành lập nhiều năm, người mù ở đây cũng được học nghề, học chữ. Nhưng có người vì hoàn cảnh khó khăn đành phải ra ngoài tha phương kiếm sống. Có người tìm kế mưu sinh từ những tờ vé số, lâu lâu bị cướp giật đành phải trắng tay, có người ra sức làm thuê từ công việc đào đất quanh năm vất vả, có người trầm mình dưới nước, bắt từng con cua, con ốc kiếm sống, có người lưu lạc từng đêm hội chợ, dùng lời ca tiếng hát của mình đánh đổi từng bát cơm, manh áo. Người mù khi không còn sức lao động nữa có người phải ăn xin, lang thang khắp nơi, trông chờ sợ bố thí của xã hội.

Biết bao công việc vất vả không phù hợp mà người mù phải nếm trải. Một viễn cảnh u buồn, một khoảng đời tăm tối mà xã hội khó ai hiểu và hình dung hết được. Điều đáng nói ở đây, người mù không có khả năng tự bảo vệ mình, luôn sống trong mặc cảm tự ti về số phận, tương lai đối với họ thật mù mịt, sống trong tâm trạng lo âu, hồi hộp, khi xã hội có biết bao cạm bẫy, nguy hiểm đang chực chờ, rình rập. Khó khăn là vậy nhưng người mù không chùn bước, họ vẫn quyết tâm đi lên bằng chính đôi tay và sức lực của mình, làm mọi việc kiếm sống, miễn sao bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đến năm 2004, cơ hội cho người mù đã đến, dự án đào tạo nghề cho người khiếm thị do ngân hàng thế giới tài trợ một số người mù đã được chọn và đi học xoa bóp tại Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh. Rất may, trong thời gian này có cô Diệu Quí y sĩ Đông y tình nguyện dẫn dắt và giúp đỡ người mù đi học. Sự chuyên cần và nổ lực trong học tập của cô trò cũng đã được đền bù. Cầm giấy chứng nhận trong tay, chúng tôi ngậm ngùi, vui sướng và nghĩ rằng từ đây mình sẽ chấm dứt khoảng đời cơ cực, được làm ngành nghề phù hợp với bản thân.

Làm việc thời gian dài cho một cơ sở xoa bóp tư nhân, chúng tôi càng ý thức hơn về vai trò và trách nhiệm của bản thân, cố gắng làm thật tốt tạo niềm tin và sự gắn kết khách hàng. Khi quý khách được phục hồi sức khỏe tốt là những lúc chúng tôi mãn nguyện và vui nhất vì cảm thấy mình làm một việc có ích cho đời và tự nhủ lòng rằng phải phấn đấu rèn luyện nhiều, nâng cao tay nghề hơn nữa.

Công việc làm tạm thời ổn định, nhưng đời sống người mù về kinh tế thu nhập chưa có gì đáng kể. Gần năm năm làm việc cật lực, nhưng người mù vẫn chưa dành dụm được gì. Do vừa làm vừa phải chi trả mọi thứ, tiền ăn, tiền, ở, nhà trọ Khi ốm đau gặp chuyện bất trắc. Lập gia đình, có con thì đời sống càng thắt chặt hơn, tiền công chỉ tạm đủ sống qua ngày.

Chúng tôi mơ ước có một nơi làm việc tốt và làm chủ chính công việc kinh doanh của mình, bên cạnh đó nhận được sự quan tâm, chia sẽ, trợ giúp của cộng đồng và chúng tôi sẽ quyết tâm làm, tạo lợi nhuận dành dụm chút ít cho tương lai, phòng khi mình không còn khả năng lao động nữa.

Cùng làm việc và gần gũi người mù trong một thời gian dài, cô Diệu Quí là người hiểu rõ tâm tư và ước vọng của chúng tôi hơn ai hết. Bằng lòng nhân ái, tình thương yêu và sự nhiệt huyết, bất chấp mọi khó khan cô đã biến ước mơ ấp ủ trong người mù chúng tôi thành sự thật. Và cuối cùng ngày đó đã đến 12/03/2009 cơ sở Toàn Thắng đã chính thức thành lập và đi vào hoạt động, dưới sự đỡ đầu của chú Hưng, cô Quí, cô Hòa, cô Hương cùng một số mạnh thường quân đã mở ra một con đường đầy triển vọng cho người mù chúng tôi, từ giai đoạn làm thuê sang giai đoạn làm chủ - ước mơ của chúng tôi.

Trong một môi trường làm việc mới, chúng tôi luôn được tôn trọng, lắng nghe có quyền phát biểu ý kiến, xây dựng cơ sở, biết rõ tình hình kinh doanh, được nhận sự yêu thương và giúp đỡ của những người xung quanh, được hỗ trợ ăn, ở. Cảm ơn cô Châu đã không quản vất vả, khó khăn nấu cho chúng tôi những bữa ăn thật ngon miệng, chăm lo cho chúng tôi có sức khỏe tốt. Chú Hưng, cô Quí, cô Hòa, cô Hương luôn quan tâm chia sẽ, hỗ trợ động viên khi chúng tôi gặp khó khăn nhất. Những tấm lòng các vị mạnh thường quân đem gạo, đồ ăn tiếp lửa cho chúng tôi được ấm lòng và còn nhiều tấm lòng vàng nữa…

Do cơ sở mới thành lập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn chưa trang bị được phòng xông hơi, thiếu thốn phương tiện, vốn liếng, mặt bằng, vừa phải đối mặt với bao sự cạnh tranh, có tháng lỗ tưởng chừng đã ngã quỵ, nhưng nhờ chú Hưng, cô Quí vận động bù lỗ kịp thời cơ sở mới đứng vững. Chúng tôi xem cơ sở như một thiên đường nhỏ, một mái ấm gia đình, nơi đó đầy ắp tiếng cười và lòng thương yêu, có những người cha, người mẹ sẵn sàng hy sinh và vun đắp cho chúng tôi có một cuộc sống tươi đẹp về vật chất lẫn tinh thần cùng chúng tôi đề ra những đối sách kịp thời để cơ sở hoàn thiện đi lên và phát triển.

Để không phụ tấm lòng cao cả đó, chúng tôi hứa sẽ cùng đoàn kết và làm thật tốt nhiệm vụ của mình.

Vui mừng là vậy, bên cạnh đó cô trò còn những nổi lo lớn, căn nhà mà chúng tôi đang thuê sau hai năm chủ sẽ lấy lại bán. Chúng tôi không biết sẽ đi về đâu? Chỉ cầu nguyện có vị mạnh thường quân nào mua lại căn nhà cho chúng tôi thuê lâu dài. Như vậy, chúng tôi mới ổn định và an tâm phát triển công việc. Nếu mô hình giúp đỡ người mù kinh doanh ở chỗ tôi thành công, tôi cũng muốn được nhân rộng lên trên toàn cả nước, để giúp đỡ những bạn đồng cảnh ngộ vượt lên chính mình, sống thật hạnh phúc như chúng tôi, được xã hội thương yêu, người người đùm bọc, không gì tốt đẹp bằng khi đó.

Tôi chợt nhớ câu thơ thắm đượm tình người mà tôi thích:

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người thương người sống để thương nhau”.

KTV cơ sở Toàn Thắng
Trịnh Chấn Vinh